Bạn cần mua cho mình một màn hình máy tính mới nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu? Đừng lo lắng! Các newbie hãy cứ tràn vào đây để tôi chia sẻ cho bạn những lưu ý quan trọng khi chọn màn hình máy tính nhé!
Nội dung chính:
Tấm nền màn hình
Đại đa số màn hình PC hiện nay đều được trang bị màn hình LCD và công nghệ màn hình sẽ là một trong những loại sau đây:
In-Plane Switch (IPS)
Có thể nói tấm nền IPS đã hình thành nên một Thế giới riêng của màn hình máy tính. Màn hình IPS cho độ sáng cao và rõ nét đến từng chi tiết. Song song đó chính là độ tương phản tốt và góc nhìn rộng, bao quát từ mọi góc nhìn. Những màn hình được trang bị tấm nền IPS có thể hỗ trợ thời gian phản hồi nhanh, tần số quét cao hỗ trợ tối đa cho trải nghiệm chơi game của game thủ. Tuy nhiên, tấm nền IPS chưa được đánh giá cao bởi khả năng tái tạo sắc đen chưa tốt, những trận game trong góc tối sẽ khiến người chơi “vật vã” đôi chút.
Vertical Alignment (VA)
Tấm nền VA vô cùng phổ biến, minh chứng chính là những chiếc màn hình Samsung kích thước lớn đều được trang bị tấm nền này để tối ưu hóa hiệu năng. Màn hình được trang bị tấm nền VA cũng sẽ mang đến độ sáng và hiệu suất màu sắc ấn tượng, không kém IPS là bao. Hơn nữa, nó còn mang đến độ tương phản tốt hơn, giúp cải thiện chất lượng hình ảnh hiển thị trên màn hình. Tấm nền VA chủ yếu được thiết kế cho những màn hình gaming, vừa có thể mang đến độ hiển thị tốt, góc nhìn rộng và chi phí dễ tiếp cận với nhiều đối tượng người dùng.
Twisted Nematic (TN)
Tấm nền đầu tiên trong nền công nghệ màn hình máy tính phải gọi tên TN. Đây cũng chính là tấm nền giá rẻ nhất hiện nay. Do đó, bạn đừng quá mong đợi vào khả năng hiển thị của màn hình được trang bị tấm nền TN này. Nhưng bù lại, nó sẽ cho thời gian phản hồi tốt, giúp bạn phản ứng tức thời với mọi hành động của đối thủ trong game. Vì là một tấm nền giá rẻ nên TN sẽ bị hạn chế nhiều hơn về độ hiển thị màu sắc và độ tương phản hình ảnh. Điều đó làm màn hình trông có vẻ “chán”, bạn nên cân nhắc thật kỹ điều này khi lựa chọn màn hình nhé!
Organic Light Emitting Diode (OLED)
Màn hình OLED là một phạm trù khác hẳn với màn hình LCD. OLED viết tắt của Organic Light Emitting Diode, tức là công nghệ này sử dụng tấm nền diode hữu cơ phát quang. Khi có dòng điện chạy qua, mỗi điểm ảnh sẽ phát sáng một cách độc lập mà không cần phụ thuộc vào đèn nền. Có thể nói màn hình OLED chính là “vua” của độ tương phản và khả năng hiển thị ánh đen trên màn hình. Nó dễ dàng đánh bại những tấm nền trên thị trường về chất lượng hình ảnh và trở thành “tấm nền lý tưởng của những tấm nền lý tưởng”.
Tấm nền nào tốt nhất?
Đây quả thật là một câu hỏi khó. Tấm nền OLED dẫn đầu bảng xếp hạng khi nói về chất lượng hình ảnh hiển thị. Tuy nhiên, giá thành của nó không rẻ nếu bạn muốn sở hữu một màn hình OLED đích thực. Do đó, tấm nền IPS sẽ là sự lựa chọn tốt nhất cho đại đa số người dùng. Vừa cung cấp hình ảnh chất lượng, góc nhìn tốt và giá thành hợp lý. Trong khi đó, tấm nền VA có thể là option tối ưu nhất nếu bạn đang muốn tậu màn hình cong hay màn hình góc rộng. VA sẽ giúp cải thiện chất lượng hình ảnh hiển thị một cách tuyệt vời không thay đổi dưới mọi góc nhìn.
Kích thước màn hình
Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những model màn hình PC với những kích thước tiêu chuẩn như 24 inch, 27 inch, 32 inch hoặc lớn hơn. Nhiều ý kiến cho rằng kích thước màn hình càng lớn càng tốt. Tuy nhiên, tầm nhìn của người dùng mới là yếu tố quyết định. Có nghĩa là bạn có thể nhìn rõ, bao quát mọi góc độ trên màn hình mà không bị đau mỏi mắt hay đau đầu.
Hơn nữa, kích thước màn hình còn phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của người dùng. Cá nhân tôi sẽ thích những màn hình có kích thước vừa phải, nó không chiếm quá nhiều diện tích trên bàn, cũng cực kỳ tiện lợi để thiết lập đa màn hình khi cần thiết. Nhưng nhiều người dùng muốn sử dụng một màn hình kích thước lớn để thực hiện n tác vụ trên đấy. Mỗi người mỗi ý đúng không nào. Do đó, hãy xác định được nhu cầu sử dụng của bản thân khi lựa chọn kích thước màn hình nhé!
Độ phân giải màn hình
Màn hình tầm trung thường sẽ được trang bị độ phân giải “quốc dân” là Full HD. Độ phân giải này chỉ phù hợp với kích thước màn hình 24 inch, chất lượng hiển thị của nó sẽ bị thấp đi trên những màn hình kích thước lớn hơn. Song song đó, màn hình 27 inch và màn hình 32 inch nên ưu tiên độ phân giải 1440p. Bạn sẽ nhận thấy độ sắc nét hình ảnh khi lướt web hay làm bất kỳ tác vụ gì. Đây cũng là độ phân giải lý tưởng để chơi game. Nhưng fan PlayStation nên lưu ý rằng PS4 và PS5 không được hỗ trợ độ phân giải này đây nhé!
Với những màn hình kích thước lớn hơn thì độ phân giải 4K mới là con số lý tưởng nhất. Đây cũng là sự nâng cấp tuyệt vời cho những màn hình 27 inch và 32 inch. Tuy độ sắc nét đi kèm nó không thật sự cần thiết với người dùng phổ thông hay game thủ nhưng đó chính là “điểm ăn tiền” cho những người dùng đặc biệt như thiết kế đồ họa, editor chỉnh sửa video, hình ảnh,…
Màn hình Ultrawide (góc siêu rộng)
Màn hình UltraWide hay màn hình góc siêu rộng là những model màn hình kích thước lớn đi kèm với tỷ lệ màn hình 21:9 mới nhất. Cụ thể như màn hình ultrawide 34 inch sẽ có chiều cao tương tự như màn hình 27 inch nhưng sẽ rộng hơn 7 inch so với những màn hình góc rộng khác. Điều này có nghĩa bạn sẽ có thêm 25% không gian hiển thị trên màn hình.
Nghe có vẻ bình thường nhưng thật ra đây là một model màn hình nhận được sự quan tâm của một cộng đồng lớn người dùng. Họ muốn nhiều không gian hiển thị hơn nhưng lại không thích thiết lập đa màn hình rườm rà. Ultrawide sẽ đơn giản hóa mọi thứ trên bàn làm việc của bạn. Ultrawide cũng rất tuyệt vời để chơi game, xem phim giải trí, nó mang lại trải nghiệm mới mẻ, độc đáo mà bạn không thể tìm ở đâu khác.
Tần số quét màn hình
Tần số quét màn hình là số lần màn hình làm mới hình ảnh trong một giây. Một số màn hình máy tính thường được trang bị tần số quét 60Hz, số còn lại sẽ là 144Hz, 240Hz, 360Hz hoặc cao hơn. Tần số quét càng cao sẽ cho hình ảnh chuyển động mượt mà hơn. Độ trễ đầu vào cũng thấp hơn đáng kể bởi hình ảnh mới xuất hiện trên màn hình mượt mà và trơn tru hơn.
Với những người dùng phổ thông, không quan tâm quá nhiều đến hiệu suất chơi game thì tần số quét 60Hz là con số vừa đẹp. Trong khi đó, game thủ sẽ ưu tiên nâng cấp tần số quét tối thiểu 144Hz. Tần số quét càng cao hình ảnh hiển thị càng mượt nhưng thành thật mà nói nó không quá cần thiết trừ phi bạn muốn thế.
Công nghệ đồng bộ hóa thích ứng
Adaptive sync (Đồng bộ hóa thích ứng) có chức năng đồng bộ tốc độ hình ảnh hiển thị với tần số quét màn hình. Nó mang lại tốc độ màn hình hoàn hảo, không giật lag, xé màn hình, thậm chí là không một vết gợn (Miễn là PC của bạn đủ mạnh để thực hiện những tác vụ đó). Adaptive Sync là một chức năng nổi bật được trang bị trong hầu hết mọi PC gaming. Nó ngày càng thông dụng đến mức mọi phân khúc màn hình đều dần được trang bị tính năng này để tối ưu và nâng cao hiệu suất làm việc cho người dùng.
AMD Freesync và G-sync là hai chuẩn mực nhất hiện nay. Chúng được thiết kế để hoạt động song song với những card màn hình tương thích của từng công ty, do đó, bạn nên quan tâm đến công nghệ Adaptive Sync mà màn hình máy tính hỗ trợ. Dạo gần đây còn có một cái tên mới nổi về công nghệ đồng bộ hóa thích ứng, đó là VESA Adaptive Sync. Cả AMD, Intel và NVIDIA đều hỗ trợ cho tiêu chuẩn bên thứ ba này trong hầu hết những giải pháp đồ họa gần đây của họ mặc dù chức năng còn nhiều hạn chế.
Màn hình công thái học
Thiết kế màn hình có nhiều sự thay đổi từ chân đế màn hình cố định đến chân đế có thể điều chỉnh độ cao, độ nghiêng, xoay màn hình 90 độ cho đến những tay cần cho phép bạn đặt màn hình ở bất kỳ ngóc ngách nào. Khi chọn mua màn hình máy tính, hãy ưu tiên những màn hình có chân đế công thái học hiện đại cho phép bạn điều chỉnh chiều cao và độ nghiêng của màn hình. Nó cho phép bạn thoải mái tìm được góc nhìn tốt nhất cho bản thân.
Màn hình HDR
Nhiều màn hình được quảng cáo rầm rộ rằng nó được hỗ trợ công nghệ HDR tiên tiến nhất. Bản chất HDR có khả năng hỗ trợ độ rộng dải màu hơn SDR. Hơn nói cách khác, HDR cho khả năng nhìn tốt, mượt mà và chân thật hơn. Đúng thật màn hình HDR rất tốt nhưng đa số không tốt được như quảng cáo. HDR chỉ đơn giản là màn hình máy tính của bạn chấp nhận tín hiệu HDR. Chẳng có một lời cam kết nào cho rằng công nghệ HDR sẽ đưa bạn lên đến đỉnh cao trải nghiệm hay điều gì cả.
Nếu bạn thật sự muốn sử dụng công nghệ HDR này thì hãy lựa chọn những model màn hình OLED hoặc MiniLED. Nó cung cấp dải màu rộng, độ tương phản tốt, hiệu suất màu sắc miễn chê, những điều này mới thật sự cần thiết để HDR phát huy triệt để khả năng vốn có của nó. Đương nhiên, giá thành của combo này cũng sẽ “đắt xắt ra miếng” đấy.
Những output màn hình máy tính cần có
Hầu hết màn hình máy tính không tích hợp thêm nhiều tính năng hỗ trợ nổi bật khác. Một vài model sẽ tích hợp loa, một số khác không. Chung quy lại chỉ những tính năng thông thường để hỗ trợ trải nghiệm sử dụng của người dùng. Điều bạn nên thật sự tìm kiếm chính là cổng kết nối USB-C. Cổng USB-C đa-zi-năng có khả năng sạc nhanh thiết bị khác như laptop, mở rộng khả năng kết nối hay dễ dàng kết nối Macbook với màn hình máy tính. Phần lớn các màn hình sẽ không hỗ trợ nhiều cổng kết nối cho nhu cầu sử dụng các thiết bị ngoại vi đi kèm. Nên bạn có thể sử dụng tính năng Bluetooth từ dàn PC hoặc kết nối Wireless để có thể sử dụng cùng những chiếc bàn phím, loa, chuột hay tai nghe không dây.
Trên đây là tất những lưu ý bạn nên biết trước khi mua màn hình máy tính. Với những newbie, việc lựa chọn màn hình PC quả là một dốc đá siêu cồng kềnh. Nhưng không sao cả vì đã có tôi bên bạn rồi. Nếu bạn còn điều gì thắc mắc thì đừng ngần ngại mà hãy để lại bình luận ngay bên dưới nhé!